Đề xuất các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023
Các doanh nghiệp, hộ gia đình đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp của năm 2023.
Nguồn thu nội địa năm 2023 có biến động do kinh tế Việt Nam chịu sức ép từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới. Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính vừa đề xuất hàng loạt các giải pháp về thuế, phí năm 2023.
Mặc dù thu ngân sách nội địa năm 2023 chịu nhiều sức ép nhưng Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục đề xuất các chính sách về gia hạn thuế với quy mô lớn hơn năm 2022; đồng thời, xem xét giảm thuế, tiền thuê đất. Riêng việc giảm thuế suất VAT 2% do nhiều lúng túng khi triển khai và tác động lớn đến nguồn thu nên khó gia hạn...
Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước năm nay như mức áp dụng năm 2022. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp của năm 2023. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất tiếp tục giãn hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: "Năm 2023 chúng tôi vẫn thực hiện đề xuất với Chính phủ việc gia hạn, kéo dài, giãn hoãn thời gian nộp thuế, như chính sách chúng tôi đã thực hiện trong năm 2022, đồng thời đề xuất và đã được Chính phủ chấp thuận, đó là giảm 30% tiền thuê đất, giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi nghĩ rằng năm 2023 phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, vướng mắc về mặt pháp lý, vướng mắc vì mặt dòng tiền, vướng mắc vì các vấn đề liên quan khác để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, vì năng lực của doanh nghiệp tăng lên thì năng lực của nền kinh tế cũng tăng lên, giải quyết được lao động, tăng thu được ngân sách và đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội".
Nhiều gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp năm 2022 đã được thực hiện như: giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% với nhiều mặt hàng; gia hạn, miễn giảm tiền thuế, tiền thuê đất… Tổng số tiền hỗ trợ các loại thuế, phí kể trên trong năm 2022 lên đến 233 nghìn tỷ đồng. Qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch.
Trước đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam do Quốc hội tổ chức cho rằng, cần nhận diện thách thức, rủi ro bên ngoài kỹ hơn, trong đó có rủi ro về tài chính và tài khoá đang gia tăng rất nhanh. "Chúng ta phải nhận diện chính xác hơn những rủi ro bên ngoài, vì trong năm tới chúng ta sẽ khó khăn hơn và vì thế tăng trưởng sẽ chậm lại, lạm phát cao hơn".
Vhuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Thị Mùi cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023, dự báo kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro của hệ thống tài chính, ngân hàng là rất lớn.
Huyền Diệu