0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 19/07/2024 16:13 (GMT+7)

Quốc Cường Gia Lai và những dự án bất động sản vướng "lùm xùm"

Theo dõi KT&TD trên

Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan - mẹ ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la) - là cái tên nổi tiếng song cũng nhiều tai tiếng khi nhiều dự án bất động sản của bà vướng phải "lùm xùm".

Nhiều dự án vướng "lùm xùm"

Công ty Nhà ở Quốc Cường Gia Lai tiền thân là một doanh nghiệp ngành gỗ đã chuyển sang lĩnh vực bất động sản từ năm 2005. Tính đến năm 2010, Công ty này cũng đã đạt được mức lợi nhuận khá khả quan với mức lợi nhuận ròng tăng hơn gấp đôi so với các năm trước đó.

Những năm sau đó, Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện các dự án bất động sản thuộc phân khúc nhà ở xã hội, cao cấp khác nhau, mang lại nguồn thu lớn cho công ty cũng như bản thân. Tuy nhiên từ năm 2014 trở lại đây, có vẻ như sự nghiệp của Quốc Cường Gia Lai đang bị “điêu đứng” trong thị trường bất động sản khi nhiều dự án vướng phải "lùm xùm".

Cụ thể, khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4 (diện tích 0,62 ha) có nguồn gốc là đất thuộc sở hữu nhà nước, do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa thuộc VRG quản lý.

Năm 2009, 2 công ty trên góp vốn (với tỷ lệ lần lượt là 72% và 28%) lập ra Công ty TNHH Phú Việt Tín (Công ty Phú Việt Tín - doanh nghiệp nhà nước) để đầu tư, kinh doanh khu đất theo quy hoạch.

Quốc Cường Gia Lai và những dự án bất động sản vướng "lùm xùm" - Ảnh 1
Sáng 19/7, lực lượng của Bộ Công an và đại diện Viện Kiểm sát xuất hiện tại nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai. Động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan.

Cuối tháng 3/2010, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư xây dựng thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ. Đến năm 2014, UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất là hơn 186 tỷ đồng. Công ty Phú Việt Tín đã nộp tiền.

Cuối tháng 3/2017, Công ty Phú Việt Tín đã ký kết hợp đồng sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phúc Nguyên, trở thành Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên. Nova Phúc Nguyên làm chủ đầu tư dự án trên khu đất.

Năm 2021, Thanh tra Chính phủ có kết luận đối với dự án tại khu đất 39-39B Bến Vân Đồn. Theo đó, việc Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm quy định pháp luật. UBND TP.HCM có quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá là không đúng với quy định pháp luật.

Liên quan đến dự án 39-39B Bến Vân Đồn, ngày 23/5/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Tuy nhiên, cuối tháng 5, bà Nguyễn Thị Như Loan đã lên tiếng phủ nhận không liên quan đến VRG, công ty là bên mua ngay tình.

Ngoài dự án nêu trên, Quốc Cường Gia Lai còn từng vướng "lùm xùm" đối với vụ sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất dự án Khu dân Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án Khu dân cư Ven Sông, quận 7. Đây là 2 dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do Văn phòng Thành ủy TP.HCM làm chủ sở hữu.

Các cá nhân liên quan tại Công ty Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy và Thành ủy TP.HCM đã đề xuất, quyết định và thực hiện quy trình chuyển nhượng 2 dự án này không đúng các quy định, gây thất thoát tài sản của Nhà nước là vốn của Thành ủy TP.HCM tại Công ty Tân Thuận 735 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 5/6/2017, được sự cho phép của ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách số tiền 419 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM kết luận ông Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 32 ha đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận tại dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật, không báo cáo thường trực Thành ủy và Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM trước khi quyết định.

Đây là dự án tâm huyết của Quốc Cường Gia Lai nhưng cũng chính là dự án khiến doanh nghiệp của bà Loan vướng nhiều tai tiếng, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của công ty. Đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, dự án vẫn nằm "bất động".

Đối với gần 33 ha đất thuộc Khu IV - dự án Khu dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong (quận 7), Công ty Tân Thuận cũng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín trong đó xác định giá trị bình quân khu đất này là hơn 17,6 triệu đồng/m2.

Cuối tháng 11/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 283 tỷ đồng.

Sau đó, tại phiên tòa xét xử liên quan đến vụ án này, Quốc Cường Gia Lai muốn tiếp tục thực hiện dự án và phần chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá trị hội đồng định giá xác định sẽ nộp bổ sung. HĐXX giao UBND TP.HCM giải quyết theo quy định pháp luật, xem xét quyền lợi của các cư dân, doanh nghiệp, tổ chức có liên quan.

Ngoài ra, tháng 9/2016, cư dân The Easter City tố Quốc Cường Gia Lai không đáp ứng chất lượng nhà. Theo cư dân mua nhà tại dự án nhà ở xã hội The Easter City (toạ lạc trên đường Phạm Hùng, Bình Chánh, TP HCM) do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư đã bức xúc vì nhiều hạng mục xuống cấp.

Người dân phản ánh, trần nhà bị thấm dột dân phải dùng xô chậu hứng nước, bãi để xe đọng nước lênh láng, thang máy hoạt động không ổn định thậm chí có trường hợp người dân bị kẹt bên trong, gạch lót hành lang bong tróc…

Không những thế, theo hợp đồng mua bán, chủ đầu tư có nhắc đến hạng mục hồ bơi. Tuy nhiên khi dự án hoàn thành, cư dân được bàn giao nhà vào ở thì không thấy hồ bơi đâu.

Năm 2011, 22 hộ dân sống tại Chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 đồng loạt nộp đơn lên TAND quận 3 (TP HCM) kiện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Quốc Cường, yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng nhà ở và thanh toán lãi phạt.

Nhiều hộ dân ở chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 (Trần Xuân Soạn, Q.7, TP HCM) cho biết, cuối tháng 4/2011 mới được chủ đầu tư giao căn hộ, trong khi thời hạn cam kết theo hợp đồng là từ cuối tháng 9/2009.

Thêm nữa, người mua căn hộ chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 còn phản ảnh chất lượng căn hộ kém, chủ đầu tư đã sử dụng nhiều thiết bị không đúng theo hợp đồng.

Lợi nhuận giảm sút tới 66% trong năm 2023

Năm 2023, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 432 tỷ đồng doanh thu, giảm 66% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng, tương đương 1/10 kết quả đạt được năm trước đó. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 âm gần 33 tỷ đồng trong khi năm 2022 cũng âm hơn 121 tỷ đồng.

Tới quý I/2024, kết quả vẫn chưa khả quan khi doanh thu thuần chỉ đạt 39 tỉ đồng doanh thu, giảm 77% so với cùng kỳ và lãi ròng chỉ đạt gần 1,4 tỷ.

Theo giải trình, công ty cho biết, do thị trường bất động sản khó khăn, thủ tục pháp lý dự án còn chồng chéo, vẫn đang trong quá trình sửa đổi hoàn thiện. Do đó, thủ tục triển khai các dự án không được giải quyết, dẫn tới doanh thu và lợi nhuận suy giảm.

Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của tập đoàn bà Loan đạt mức 9.515 tỷ, trong đó lượng tiền mặt chỉ còn khoảng 29 tỷ đồng. Chủ yếu tài sản nằm ở giá trị hàng tồn kho với hơn 7.033 tỷ đồng.

Công ty đang ghi nhận hơn 5.161 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó 4.300 tỷ đồng nằm ở dư nợ vay ngắn hạn. Trong số này có 2.882 tỷ đồng là khoản tiền đã nhận của Sunny Island cho dự án Phước Kiển (Nhà Bè, TP HCM).

Vốn chủ sở hữu của Quốc Cường Gia Lai hiện đạt 4.354 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 2.751 tỷ. Hiện tại, cá nhân bà Loan nắm hơn 37% cổ phần của Quốc Cường Gia Lai, còn con gái bà là Nguyễn Ngọc Huyền My nắm hơn 14% vốn điều lệ. Như vậy tổng tỷ lệ nắm giữ của 2 mẹ con trên 51% vốn công ty.

Tính đến hết ngày 31/3/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Quốc Cường Gia Lai là 534 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên sáng 19/7, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã giảm kịch sàn về dưới mốc 10.000 đồng/cp.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Quốc Cường Gia Lai và những dự án bất động sản vướng "lùm xùm". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
“VinFast chơi lớn số 2 không ai là số 1”
Trên hành trình từ số 0 đến số 1, VinFast liên tục khiến thị trường “choáng” không chỉ bởi những kỷ lục về đơn đặt cọc, doanh số mà còn vì những lần tri ân hào phóng cùng các chính sách hậu mãi chưa từng có tiền lệ.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.