0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ năm, 23/03/2023 07:24 (GMT+7)

Đồng Nai: Phát triển cụm công nghiệp còn nhiều gian nan

Theo dõi KT&TD trên

Việc đầu tư, phát triển hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn, trong đó vướng mắc về thủ tục, chính sách, bồi thường và vốn đầu tư lớn đang cản bước lớn đối với các doanh nghiệp.

Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch với tổng diện tích gần 1500 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp dùng cho thuê khoảng 943,5ha. Hiện 15 CCN (855,7ha) đã có 190 dự án thứ cấp đăng ký đầu tư, trong đó 146 dự án đã đi vào hoạt động; 40 dự án đang triển khai thủ tục pháp lý về đầu tư và xây dựng; 44 dự án tạm ngưng hoạt động.

Về vấn đề thực hiện phát triển hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tiến độ triển khai rất chậm, chưa đáp ứng được mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian thực hiện thủ tục pháp lý kéo dài, doanh nghiệp muốn đầu tư hạ tầng CCN phải đảm bảo nhiều bước như: quy trình thủ tục đầu tư, thành lập, cấp phép quy hoạch, quy hoạch chi tiết, đánh giá tác động môi trường, thủ tục đất đai, cấp phép xây dựng, khởi công, thẩm định xây dựng...

Đồng Nai: Phát triển cụm công nghiệp còn nhiều gian nan - Ảnh 1
Phát triển hạ tầng cụm công nghiệp tại Đồng Nai còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Trung bình tổng thời gian để hoàn tất hồ sơ khoảng 2-3 năm, nhiều cụm lâu hơn vì gặp khó khăn về vấn đề đất đai, mặt bằng do không thỏa thuận được giá bồi thường. Sau khi hoàn tất thủ tục, chủ đầu tư thực hiện khởi công xây dựng mất thêm từ 1-2 năm mới tiếp nhận dự án sản xuất, kinh doanh vào đầu tư. Theo tính toán của các doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng cho CCN không thua kém so với đầu tư khu công nghiệp nhưng diện tích cho thuê lại nhỏ, đa số dưới 70ha nên hiệu quả đầu tư thấp.

Bên cạnh đó, cũng có những CCN có đất công nằm xen kẽ trong cụm hiện chưa có phương án xử lý cụ thể, dẫn đến kéo dài trong công tác cấp chủ trương đầu tư như: CCN Trị An, CCN Vĩnh Tân. Một số trường hợp khác thì quy hoạch CCN trên cơ sở đã có doanh nghiệp hiện hữu và không mời gọi được nhà đầu tư hạ tầng, việc huy động vốn góp của các doanh nghiệp này để đầu tư chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật rất khó khăn.

Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho biết, qua tổng hợp, khảo sát nhu cầu của các địa phương trong tỉnh, một số CCN quy hoạch lâu năm nhưng chưa triển khai thực hiện đang được rà soát, kiến nghị loại bỏ. Đồng thời, một số CCN được đề nghị mở rộng, bổ sung nhằm đảm bảo tính khả thi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như có khả năng kết nối hạ tầng kỹ thuật sẵn có tại địa phương như đường cao tốc, sân bay, cảng...

Bên cạnh vấn đề thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho sản xuất, vấn đề không kém phần quan trọng là đảm bảo an sinh xã hội, việc quy hoạch những khu vực để phục vụ nhu cầu cho người lao động, nhất là nhà ở phải đặc biệt quan tâm. Rà soát, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển CCN trên địa bàn là rất cần thiết để phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, thế khó hiện nay cho các nhà đầu tư hạ tầng là giá đất nhiều khu vực đã tăng quá cao khiến cho tiến độ bồi thường thực hiện chậm, một số khu vực quy hoạch nhưng không thu hút được nhà đầu tư. Tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Công thương và các địa phương rà soát lại từng CCN làm rõ lý do loại bỏ hoặc bổ sung vào quy hoạch của từng CCN và điều kiện triển khai. Trên cơ sở đó, trình Ban TVTU xem xét, cho ý kiến trước khi tích hợp, bổ sung vào quy hoạch tỉnh để triển khai thực hiện.

Tương tự, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Đỗ Thành Phương cho rằng, khi các CCN đi vào hoạt động sẽ có thêm nhiều lao động làm việc tập trung, kéo theo nhu cầu về nhà ở và các dịch vụ khác. Nếu không quản lý tốt, có thể dẫn đến việc tái diễn xây dựng trái phép trên đất không phù hợp với quy hoạch.

Thanh Thanh

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Phát triển cụm công nghiệp còn nhiều gian nan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.